Leo núi năm lên ba
Mặt trời vừa lên cao, cũng là lúc ba mẹ con em Nguyễn Đức Viễn (8 tuổi, xã Trà Linh) về đến nhà sau một tuần trực tại vườn sâm. Nhà Viễn nằm sát trên triền núi, cuối làng Mong Priu (thôn 3, xã Trà Linh). Từ vườn sâm về đến nhà em, mất gần một tiếng đi bộ đường rừng.
“Năm giờ sáng ba mẹ con đã gọi nhau dậy, tranh thủ về sớm chứ trời nắng đi mệt lắm” - chị Loan, mẹ Viễn nói. Mắt cậu bé ráo hoảnh, chẳng gợi chút uể oải gì từ giấc ngủ giữa rừng suốt cả tuần qua. Đi rừng cực nhọc, nhưng Viễn không hề nản lòng mà luôn muốn được đi theo ba lên vườn chăm sóc sâm.
Đường lên vườn sâm hôm ấy của chúng tôi không thể thiếu Viễn. Anh Nguyễn Văn Bôi, ba của Viễn kể: “Một tuổi Viễn đã được mẹ cõng lên vườn, ba tuổi đã có thể tự đi theo, không cần bồng bế. Ngày đó tôi trồng sâm ở vườn cũ, trên cao kia, đi bộ mất hơn hai tiếng đồng hồ. Vậy mà thằng nhỏ vẫn đi tốt”.
Tính Viễn ít nói, suốt chặng đường, em chỉ lặng lẽ theo sau người lớn, đến đoạn dốc, cậu nhóc lại bật lên như con sóc, vượt mặt ba, chân nhảy thoăn thoắt trên những bậc thang xếp lộn xộn từ gỗ mục và đá. Có lẽ nhờ được vận động từ rất sớm, nên dù chưa vào lớp 3, thân hình Viễn đã săn chắc, làn da ngăm đen, đôi mắt tròn xoe lúc nào cũng hướng về ba mẹ và núi rừng.
“Lúc nhỏ vì không có ai chăm, nên Viễn phải theo ba mẹ lên vườn, ba mẹ làm, hai chị em ở trong chòi chơi với nhau. Giờ lớn, thằng bé đã tự giác hơn, biết phụ mẹ nấu cơm, biết nhổ cỏ sâm, phụ ba rải mùn lá vào gốc sâm, bắt sâu, tìm chuột... Mình không bắt con phải làm, nhưng Viễn muốn thế” - anh Bôi nói.
Những kỳ nghỉ lành mạnh
Ở Trà Linh, những đứa trẻ lên ba, lên bốn tuổi, chỉ cần biết đi, đã có thể theo ba mẹ lên vườn sâm. Như Chin và Bom - hai cậu nhóc nhà anh Hồ Văn Dang (thôn 3, Trà Linh), đã có khả năng leo núi từ rất sớm. Hết hè này, Bom vào lớp 5, Chin vào lớp nhỡ.
Chin nhanh nhẩu, nói năng không ngừng. Chin thừa hưởng nét tươi tắn của mẹ và sự cường tráng, khỏe mạnh của ba. Anh trai Bom lại có phần trầm tính, chững chạc hơn.
Không như Viễn, Chin và Bom leo núi chỉ để trải nghiệm, vì phần lớn thời gian trong năm, hai anh em về học ở Trà Dơn (quê mẹ). Hè này, anh Dang thường đưa các con lên vườn sâm để làm quen với môi trường, vừa giúp các con có một kỳ nghỉ hè lành mạnh.
“Con mình dù được chăm sóc tốt hơn các bạn đồng trang lứa trong làng, nhưng vẫn cần thích nghi với môi trường tự nhiên, với núi rừng, để rèn luyện sức khỏe và biết được phong tục, tập quán của cha ông. So với việc đưa con đi chơi ở thành phố, hay những nơi đông người, thì việc dẫn các con về quê thư giãn, sẽ ý nghĩa hơn” - anh Dang chia sẻ.
Các con nhà anh Dang khá kỷ luật, lại lễ phép. Từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến việc xem điện thoại, tivi, hai anh em đều rất tự giác. Nhờ được giáo dục tốt, các em rèn được kỹ năng sống qua những chuyến đi vượt núi. Có lẽ vì thế, mà như lời chị Thảo (vợ anh Dang), bốn năm qua, bé Chin ít khi đau ốm.
Ở vùng sâm Ngọc Linh, trẻ em sinh ra, lớn lên, rồi vào rừng. Nhưng không phải em nhỏ nào cũng có được điều kiện phát triển như Chin, Bom và Viễn. Một phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì cách giáo dục của cha mẹ.
Chúng tôi đã bắt gặp nhiều em lặn lội vào rừng vác củi, hái rau, cắt bông đót... để phụ giúp gia đình. Trong những ánh mắt vô tư, hồn nhiên ấy, là những giấc mơ về hạnh phúc, đủ đầy và... trông chờ vào núi.