Kỳ bí Ngọc Linh - Kỳ 3: TIÊN CẢNH Ở NGỌC LINH
Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử Xã Trà Don

Chi tiết tin

Kỳ bí Ngọc Linh - Kỳ 3: TIÊN CẢNH Ở NGỌC LINH

Già làng Hồ Văn Du cho tôi biết, trong kháng chiến, nhiều tốp biệt kích của Mỹ-ngụy được thả xuống, lần mò vào trong những cánh rừng ở Ngọc Linh tìm cách phá hoại khu căn cứ cách mạng của ta, nhưng đều mất tích một cách bí ẩn... Có thể lý giải một cách dễ hiểu, những cánh rừng Ngọc Linh còn hoang sơ, tiềm ẩn trong đó biết bao nhiêu cạm bẫy rình rập, nào là thú dữ, nào là những triền núi, khe sâu rậm rịt như những mê cung, nào là mưa rừng, suối lũ, chướng khí, bệnh tật sẽ ập xuống bất kể lúc nào nếu người đi rừng không có kinh nghiệm, dạn dày tìm đường, vạch hướng... Nhưng, với chúng tôi, đây quả là tiên cảnh.

Cơn mưa đêm như chiếc lược chải cho những tán rừng nguyên sinh thêm mượt mà, xanh ngắt để đón ánh bình minh. Trưởng đoàn Hồ Quang Bửu yêu cầu đại úy Nguyễn Văn Công - một trinh sát dày dạn của Cơ quan Quân sự huyện trải tấm bản đồ để xác định tọa độ, định hướng cho ngày hành quân thứ 2.

Các TS Cơ quan Quân sự Nam Trà My xác định tọa độ, vạch hướng lên đỉnh Ngọc Linh.

Trên bản đồ, dãy núi Ngọc Linh có 3 đỉnh, đỉnh thứ nhất có độ cao hơn 2.350m, đỉnh thứ 2 có độ cao hơn 2.560m, đỉnh thứ 3 hơn 2.590m, đều nằm sát nhau về hướng chính Tây, trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi đang ở độ cao 2.000m, nghĩa là phải vượt gần 400m độ cao nữa sẽ đến đỉnh núi thứ nhất. Già làng Du thông báo: “Từ đây sẽ không còn đường mòn, phải tự định hướng, phát cây rừng mà đi, mọi người phải bám sát nhau, không tự ý rời khỏi đoàn vì sẽ vô cùng nguy hiểm”.

Đúng như già Du nói, chúng tôi bám sát nhau, luồn qua những rừng trúc, vạt dây rừng bùng nhùng ken dày đặc, lội trên những thảm lá mục ẩm ướt dưới chân. Đàn vắt rừng nghe hơi người búng tua tủa. Đường lúc này càng đi càng dốc đứng, vừa thở vừa cố bám sát người đi trước, vừa gạt vắt bu đầy chân. Càng lên cao, rừng thưa dần, tuy vẫn dốc đứng nhưng đường đã dễ đi hơn, nhiệt độ cũng giảm rất nhanh. Bác sĩ Trần Văn Thu xem nhiệt kế cho biết, nhiệt độ chỉ còn 150C, đàn vắt rừng cũng đột ngột biến mất. Chúng tôi thở phào, chọn mỏm đất khô ráo, hạ ba lô giải lao. Tranh thủ lúc này, già làng Du chỉ cho mọi người thấy những gốc cây rừng to cả chục người ôm, dường như có ai đó đã leo lên lột sạch vỏ cây... Nhưng già Du lại giải thích, ở trên cây có tổ ong, có con gấu đã leo lên đó ăn mật. Rồi Du chỉ cho chúng tôi thấy những đống phân thú rừng còn mới nguyên và giảng giải, đâu là phân con chồn, đâu là của khỉ, nai... Chúng tôi cùng òa lên thích thú vì sự nguyên sơ của khu rừng này, nhưng những thanh niên Xơ Đăng trong đoàn lại có vẻ rất thận trọng, họ giải thích: “Sẽ còn có con thú lớn hơn nữa, phải cẩn thận...”.

Đã gần 2 ngày sóng điện thoại của cả đoàn tê liệt, bất chợt điện thoại của Lương y Nguyễn Đình Nghĩa reo vang trong ba lô. Ông Nghĩa vội mở ba lô xem điện thoại, thì ra chỉ là một đợt sóng ảo. Ông Nguyễn Văn Thành - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra máy đo độ cao, thông báo: “Chúng ta đã tới độ cao hơn 2.300m, sắp tới đỉnh núi đầu tiên...”.

Tiếp tục hành trình, hiện ra trước mắt mọi người là hàng chục cây thông có đường kính từ 1,5-2m, cao hàng chục mét, cành lá tỏa tán rộng cả một vạt rừng. Các cán bộ kiểm lâm, người thì nói là giống thông đỏ, người nói là thông tự nhiên, nhưng chẳng rõ loại gì, có người còn khẳng định, đã có tài liệu nói rằng, người Pháp đã gieo giống cây thông trên nhiều khu vực ở Việt Nam để đánh dấu mỏ? Nhưng theo quan sát của chúng tôi, những cây thông này có lẽ phải hàng trăm năm tuổi. Dưới tán rừng phủ một lớp lá thông dày hơn 1m. Khắp cánh rừng, dưới những gốc thông cổ thụ ấy là hang hốc đen ngòm, ăn sâu vào lòng núi đầy kỳ bí và không hiểu có loài thú nào trú ẩn, sinh sống dưới đó không...

Lúc đầu chúng tôi còn thích thú đếm từng cây thông, càng lên cao thì thông càng dày, không còn đủ sức đếm nữa, rừng càng thêm huyền bí, chúng tôi thực sự như đi lạc vào tiên cảnh, chỉ được mô phỏng trong phim ảnh hay chuyện thần thoại về một vườn cổ tích nào đó. Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu các Kiểm lâm viên chụp ảnh, ghi chép để sau chuyến đi làm hồ sơ, công văn đề nghị công nhận rừng thông này là rừng cây di sản quốc gia.

Tác giả (trái) bên cây thông cổ thụ trên đỉnh Ngọc Linh.

Tại điểm cao nhất của đỉnh núi, đồng hồ đo độ cao chỉ số 2.360m, như vậy chúng tôi đã chinh phục đỉnh núi đầu tiên của Ngọc Linh. Mọi người cùng giở cơm nắm ra ăn, sau 30 phút nghỉ giải lao, lệnh xuất phát tiếp tục lên đường. Càng lên cao, nhiệt càng xuống thấp, nhiệt kế đoàn mang theo đo được chỉ còn 120C, rừng cũng khô hẳn, lệnh cấm hút thuốc lá được ban ra. Lúc này cũng không còn gặp một khe núi nào có nước nữa nên có thành viên trong đoàn đề nghị dừng lại đóng trại nghỉ qua đêm để đi tìm nguồn nước, nhưng già Du lắc đầu: “Không thể nghỉ ở đây được, sẽ rất nguy hiểm...”. Rồi già Du chỉ sang ngọn núi bên cạnh, chúng tôi nhìn rõ mồn một vì khoảng cách rất gần, bảo cố gắng sang đấy nghỉ mới có thể tìm được nguồn nước. Lượng nước dự trữ trong đoàn chúng tôi đã gần cạn kiệt, lương y Nghĩa tỏ ra rất rành về cây rừng, chỉ cho chúng tôi thấy, có thể hứng nước từ những lớp rêu bám trên các thân cây cổ thụ để uống cho đỡ khát, một vài thành viên trong đoàn đã làm theo...

Gần 2 tiếng đồng hồ vượt dốc nữa, chúng tôi chinh phục ngọn núi thứ 2 của Ngọc Linh khi trời đã sẩm tối. Đồng hồ đo độ cao chỉ con số 2.560m. Cũng như đỉnh núi chúng tôi vừa qua, đỉnh núi này cũng dày đặc một loại cây thông, nhưng có lẽ do nhiệt độ quá thấp, chỉ còn xấp xỉ 10 độ C, nên cây thông ở đây không to, tán cũng không rộng. Cây nào cây nấy phủ đầy rêu xám đen, dáng cong cong, gù gù từ gốc đến ngọn với muôn vẻ hình thù vô cùng huyền ảo. Cả ngọn núi thâm u giữa trời chiều càng làm cho Ngọc Linh thêm kỳ bí.

Đoàn chúng tôi khẩn trương đóng trại, căng bạt, mắc võng, nổi lửa. Mọi người đang lo lắng vì tối rồi mà vẫn không tìm ra nguồn nước thì bất chợt một cơn mưa rừng ào ào đổ xuống. Già làng Du lầm rầm như cảm ơn “mẹ núi” Ngọc Linh đã phù hộ, nhưng thầm truyền đi một thông điệp: “Đêm nay cả đoàn hết sức cảnh giác, cẩn thận, tỉnh táo, có vết tích, dấu hiệu của “ông ba mươi” ở ngọn núi này”. Vậy là loài hổ vẫn còn hiện hữu ở chốn tiên cảnh Ngọc Linh...



Tác giả: Hồng Thanh

Nguồn tin: http://namtramy.quangnam.gov.vn/


Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ DON - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Don - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)